Có lẽ, sự hung hăng của một bộ phận cộng đồng mạng Việt đã không còn là điều quá lạ lẫm với những ai thường xuyên sử dụng mạng xã hội.
Thói quen "bầy đàn" dẫn nhau vào "điểm danh", có những lời lẽ thiếu văn hóa, thậm chí là thô tục, đã luôn xuất hiện cùng với số đông các thành viên hung hãn, chỉ luôn trực chờ thời cơ mà "nhảy vào hội nghị ném đá" không chỉ ở riêng các trang mạng Việt mà còn trên cả các diễn đàn quốc tế.
Mới đây, sau một bức ảnh người phụ nữ Việt vừa chạy xe, vừa chụp ảnh đã xuất hiện trên fanpage của cựu siêu sao cầu thủ bóng đá David Beckham, hàng trăm hàng nghìn những lời bình luận "hùa" vào điểm danh, sẵn tiện để lại vài lời thiếu văn hóa, thô tục đã khiến phần bình luận dưới bức ảnh này nhanh chóng biến thành... bãi chiến trường đậm chất "anh hùng bàn phím Việt".
Bên cạnh những lượt bình luận các cư dân mạng quốc tế về sự an toàn của người phụ nữ điều khiển xe và đứa bé, về độ nguy hiểm rình rập sát bên bởi hành động tham gia giao thông đáng lo ngại này, thì cũng có rất nhiều những lời bình luận mang tính thiện chí từ những bạn trẻ Việt Nam như "xin lỗi khi để danh thủ này chứng kiến những hình ảnh có phần không đẹp tại Việt Nam", hay"mong muốn anh không vì điều này mà mất đi tình cảm dành cho người dân Việt", hoặc "hi vọng sẽ lại được đón những chuyến viếng thăm của anh cùng gia đình trong tương lai".
Tuy nhiên, nếu mọi thứ chỉ dừng lại ở đó thì sẽ không có gì phải tranh cãi thêm. Điều đáng nói là đã có rất đông những cái tên Việt Nam, thậm chí tên nửa Anh nửa Việt, đã để lại những lời lẽ không mấy hay ho trên một diễn đàn quốc tế nhỏ này.
Dạo một lượt hơn một chục nghìn lượt bình luận, không quá khó để đọc thấy những bình luận "điểm danh" hàng loạt, những bình luận tranh cãi qua lại thô thiển, và cả những "chuyện phiếm" không liên quan đến nội dung chính liên tục xuất hiện.
Trong một thời gian ngắn, một nơi bàn luận có cả những bạn bè quốc tế mà những điều chưa tốt, chưa đẹp đã được chính những con người Việt tự "vạch áo cho người xem lưng" bằng một thái độ hả hê. Nhiều bạn trẻ sử dụng vốn hiểu biết tiếng Anh của mình chỉ để... buông những lời chỉ trích, phê phán để những người bạn nước ngoài có thể đọc hiểu được.
Nhiều người khác cho rằng việc viết những lời lẽ chỉ trích thô tục lên án "người Việt mình" thì chỉ có mỗi người Việt là đọc hiểu được, nhưng có lẽ họ đã quên đến công cụ phiên dịch trăm nghìn thứ tiếng luôn được hỗ trợ trên internet. Và dường như mọi người lại quên mất đi những hậu quả, ảnh hưởng tiêu cực không hề nhỏ mà những hành động khiếm nhã này sẽ tác động đến hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Nếu đặt câu hỏi đã bao lần "dân mạng Việt làm náo loạn" trên các diễn đàn quốc tế thì có lẽ cũng hơi khó để trả lời một con số chính xác. Ai còn nhớ đến một cô gái người Thái có tên Happy Bolla đã liên tục bị một bộ phận người trẻ Việt đem hình ảnh ra chế giễu, bêu rếu? Hay vụ việc "trai đẹp bị trục xuất" người Ả Rập làm mọi người phát cuồng đến mức vào "điểm danh VN hàng loạt" trên trang fanpage của anh ấy? Hoặc việc fanpage của vị tỷ phú Bill Gate cũng từng trở thành "bãi rác" bởi những lời bình luận Việt đậm chất chỉ trích, thiếu văn hóa chỉ vì một bức ảnh "lo lắng cho mạng lưới điện tại Việt Nam"?
Thậm chí là việc một hot girl người Thái Lan, Peaw Sumaporn Wandee, vì quá bất bình với những bình luận khiếm nhã của cư dân mạng Việt đã lên trang cá nhân và viết: "Gửi các bạn Việt Nam!!! Tôi rất không thích khi các bạn lấy hình của tôi đăng tải lên những trang web không phù hợp. Tôi rất giận. Thỉnh thoảng, tôi còn thấy có những lời lẽ bình luận ghê tởm của các bạn trên Facebook của tôi nữa. Tôi không thích và rất khó chịu. Nếu các bạn muốn nói chuyện với tôi thì làm ơn hãy gõ bằng tiếng Anh".
Dòng cập nhật trạng thái đầy bức xúc của hot girl người Thái trước sự hung hăng của anh hùng bàn phím Việt
Hay gần đây nhất, sự việc một du khách người Việt sang Singapore du lịch và bị mắc bẫy lừa đảo, trong khi cộng đồng mạng Singapore cùng ra sức giúp đỡ và "trừng phạt", lôi chủ cửa hàng có hành vi buôn bán gian dối ra ánh sáng, thì cũng có một số bộ phận số đông "anh hùng bàn phím Việt" lại nhảy vào "ném đá", chỉ trích mạnh mẽ khi lại cho rằng "hành động quỳ gối khóc lóc là làm nhục quốc thể", thậm chỉ cả lên án, chê bai việc vị du khách Việt này lại "chơi sang mua điện thoại cho người yêu nên bị lừa thì phải tự chịu thôi",...
Cùng một sự kiện, câu chuyện nhưng hành động của hai cộng đồng mạng Việt - Sing lại hoàn toàn trái ngược nhau, trong khi người ngoài lại nhất mực quan tâm đến thiệt hại của nạn nhân, thì những người cùng dòng máu lại chỉ thỏa sức bài xích bằng những lời lẽ không thể nào tệ hại hơn.
Tạm kết
Có thể nói, không biết từ bao giờ, văn hóa "anh hùng bàn phím" luôn trực chờ một sự việc nào đó nổi tiếng một chút, hoặc liên quan đến Việt Nam là hàng loạt bình luận thiếu văn hóa, khiếm nhã sẽ xuất hiện nhanh đến chóng mặt, và sau khi hả hê với "chiến tích" của mình, sự việc qua đi thì mọi người lại kéo nhau đi qua chủ đề khác nóng hơn để tiếp tục ném đá, để lại cho "khổ chủ" những "bãi rác bình luận" không hơn không kém.
Bản chất của tranh luận là tốt vì bạn sẽ có thể trau dồi khả năng phản biện, sử dụng kiến thức của mình để "đấu tranh" cho những điều đúng đắn. Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ để trở thành một "vũ khí" của các anh hùng bàn phím càn quét ngang dọc các diễn đàn trong và ngoài nước lại chỉ khiến văn hóa giao tiếp ngày càng bị đẩy lùi, mọi người chỉ chúi mũi vào chuyện bêu xấu nhau trong những cái lắc đầu đầy ngao ngán. Và nên chăng, có ai đó hãy nhanh chóng "dẹp" đi chế độ phiên dịch tiếng Việt sang tiếng ngoài trên internet để phần nào đó còn có thể giữ lại được những nét đẹp của người Việt, đất Việt trong mắt bạn bè quốc tế (?!)
Bình luận
Báo cáo vi phạm