Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, VTV không nên đưa tin quá kỹ về nhân thân, gia đình của Công Phượng. Một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng quyền riêng tư cá nhân của cầu thủ trẻ này đang bị vi phạm bởi một số cơ quan truyền thông.
Ngày 18-11, bên lề Quốc hội (QH), trả lời Báo Người Lao Động, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son khẳng định: “Việc tuổi tác, nhân thân, gia đình của cầu thủ Công Phượng là không nên đưa tin quá kỹ như chương trình Chuyển động 24 giờ của VTV. Sự việc khách quan đã quá rõ rồi, đưa như vậy là ảnh hưởng đến cá nhân một con người. Tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 18-11, bộ đã nêu vấn đề này ra rất rõ ràng với quan điểm của cơ quan chức năng quản lý báo chí”.
“Giật gân, câu khách”
Trả lời báo chí về việc này, đại biểu (ĐB) QH Dương Trung Quốc bày tỏ: “Tôi không đồng ý việc chương trình Chuyển động 24 giờ đưa hết tất cả thông tin cá nhân của cầu thủ Công Phượng lên sóng. Việc này rõ ràng là vi phạm quyền riêng tư cá nhân mà Bộ Luật Dân sự hiện hành và sửa đổi đều quy định rõ. Tôi nghĩ trong vấn đề này, một số cơ quan truyền thông đã bị yếu tố giật gân, câu khách tác động”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Bắc Son (giữa), cho rằng chương trình Chuyển động 24 giờ của VTV đã đưa tin quá kỹ về cá nhân, gia đình Công Phượng
Theo ông Quốc, điều đáng lo ngại là báo chí, truyền hình đang tạo áp lực rất lớn lên Công Phượng, đáng ngại hơn là tạo ra định hướng trong xã hội về nghi vấn gian lận tuổi của cầu thủ này. “Báo chí có quyền tiến hành điều tra nhưng hoàn toàn không có quyền kết luận thay cơ quan chức năng” - ông Quốc thẳng thắn.
ĐB Dương Trung Quốc cho rằng báo chí điều tra rất cần đi đến tận cùng sự việc để cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng ra phán quyết. “Khi cơ quan chức năng công bố kết luận cuối cùng thì báo chí nói về đóng góp của mình cũng chưa muộn” - ông nhận xét.
Đồng tình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, ông Lê Như Tiến, phân tích: “Hiến pháp có chương về “Quyền con người” và “Quyền công dân” đã nêu rõ việc tôn trọng, không nên có những hành động tổn hại đến đời tư của người khác. Báo chí cũng nên phản ánh có mức độ, có thể dừng lại ở những thông tin có lợi chung cho mọi người, không làm tổn hại đến cá nhân, danh dự của một người nào đó nếu chưa có phán xét, kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nếu đi sâu quá vào đời tư của người khác thì có thể khiến họ bị tổn thương”.
Có thể làm thui chột một tài năng
ĐB Dương Trung Quốc đề nghị các cơ quan truyền thông nên dừng lại vụ việc của Công Phượng cho đến khi có kết luận chính thức. “Nếu kết luận Công Phượng có gian lận tuổi thì lúc đó phê phán, góp ý cũng chưa muộn. Chúng ta hãy vì sự phát triển của một tài năng mà kiềm chế và nên đóng góp vào một chuẩn mực chung trong xã hội” - ông nói.
Trong khi đó, ông Lê Như Tiến cho rằng nên để cơ quan chức năng có thẩm quyền tìm hiểu tuổi thật của Công Phượng. “Báo chí không nên phán xét thay cơ quan chức năng. Hơn nữa, phải cân đối thế nào để không ảnh hưởng tới tâm lý một tài năng mới nở, thậm chí nếu làm thui chột thì rất không hay. Tôi xin nhấn mạnh lại lần nữa: Báo chí không nên đi quá sâu vào đời tư của người khác mà nên tôn trọng tài năng, những cống hiến thực sự của người ta” - ông nêu rõ.
Theo ông Tiến, với cách đưa tin “truy kích” một cách quá đáng, không khéo sẽ có tác dụng ngược. “Lẽ ra, chúng ta phải tìm mọi cách nâng đỡ tài năng, đằng này lại đi vùi dập, gây áp lực tâm lý cho cầu thủ Công Phượng, như vậy là không nên” - ông bộc bạch.
Cán bộ xã làm đúng quy định
Chiều 18-11, đoàn cán bộ của Phòng Tư pháp huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã về xã Mỹ Sơn để kiểm tra hồ sơ của tuyển thủ U19 Việt Nam Nguyễn Công Phượng. Ông Trần Doãn Phú, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Đô Lương, cho biết qua làm việc với cán bộ xã liên quan và kiểm tra thì giấy khai sinh gốc của Công Phượng làm ngày 20-10-1995, ghi cầu thủ này sinh ngày 21-1-1995. Đây là giấy tờ rất quan trọng để chứng minh ngày, tháng, năm, sinh cho Công Phượng. “Xã Mỹ Sơn sau đó đã làm khai sinh lại với ngày, tháng, năm sinh dựa trên giấy khai gốc này là đúng quy định. Thời điểm đó, do năng lực cán bộ tư pháp còn yếu, điều kiện cơ sở vật chất kém nên đã không lưu trữ được sổ sách. Tình trạng này xảy ra hầu hết các xã ở huyện Đô Lương chứ không riêng gì xã Mỹ Sơn” - ông Phú giải thích.
Ông Phú cho rằng việc quản lý hồ sơ thời đó còn lỏng lẻo, trình độ nhận thức của người dân và cả cán bộ còn thấp nên dễ dẫn đến tình trạng mỗi loại giấy tờ của một người có thể có một ngày, tháng, năm sinh khác nhau. Lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện Đô Lương đã lập biên bản, ghi nhận ý kiến của những người có trách nhiệm tại xã để báo cáo cho Sở Tư pháp Nghệ An về hồ sơ của cầu thủ Công Phượng.
Bình luận
Báo cáo vi phạm